An Nông tham gia hội nghị triển khai sinh hoạt pháp luật trực tuyến tháng 6
Chiều ngày 11/6/2024, Phòng Tư pháp thị xã Tịnh Biên - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thị xã, tổ chức Hội nghị trực tuyến để triển khai, giới thiệu một số nội dung cơ bản của “Luật phòng chống tham nhũng năm 2018”. Tham gia tại điểm cầu xã An Nông có cán bộ, công chức, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ khối Đảng, Chủ tịch công đoàn cơ sở trường học, hòa giải viên của các tổ hòa giải trên địa bàn xã.
Tại kỳ họp thứ 6 (ngày 20/11/2018), Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Đồng thời, thay thế cho Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012. Luật gồm có 10 Chương với 96 Điều, tăng 2 chương và 4 điều so với Luật Phòng, chống tham nhũng 2005. Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, bao gồm 13 hành vi, như: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Đối với các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; giám sát công tác phòng, chống tham nhũng của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; các hành vi bị nghiêm cấm; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; quy định nguyên tắc chung, trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế; hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng,../.
ĐTT xã An Nông